Có công mài sắt…
Ngay từ đầu con ngõ, chúng tôi đã nghe thấy tiếng búa, tiếng quai, tiếng loảng xoảng của kim loại vang lên inh ỏi. Ông Đinh Công Viên niềm nở đón tiếp chúng tôi: “Nếu các anh đến chậm tý nữa là tôi đi gặp khách hàng ở dưới thị trấn Quế rồi đó”.
Lão nông Đinh Công Viên và chiếc máy “5 trong 1”
Vừa pha chén trà, ông vừa kể về cơ duyên đến với cỗ máy tuốt lúa: Trước đây, mỗi vụ gặt, lúa được xếp đống vòng tròn trong sân để hai, ba người kéo hòn đá trục xoay trần quanh đống lúa, đến bao giờ tách hạt lúa khỏi bông thì thôi. Nhiều người muốn xong nhanh nên kéo thật mạnh, chẳng ngờ trục lăn vào chân gây thương tật. Muốn làm cá nhân thì phải dùng hai đoạn tre dài khoảng 50cm, buộc một đoạn dây kẹp bó lúa vào giữa rồi ra sức mà đập cho đến khi nào chỉ còn trơ bó rơm.
Nhưng theo ông khổ nhất là tẽ ngô: “Ngô càng to, càng già, hạt càng mẩy thì tách bằng tay càng khó. Chỉ cần tách, tẽ hơn chục ngô thì những bàn tay dù có chai sạn đến mấy cũng bị đỏ tím, sưng phù đến hai ba ngày sau, động vào cái gì cũng đau rát”.
Bản thân là nông dân, ông hiểu rõ về việc cần có một chiếc máy đa dụng. Từ rất lâu, ông đã “thai nghén” ấp ủ ước vọng về chiếc máy đó nhưng phải đến cái tuổi “xưa nay hiếm” ông mới có thể mỉm cười với thành quả của mình. Sau những suy nghĩ, tìm tòi, ông cho rằng “máy tuốt lúa được thì cũng có thể đập, tẽ được bắp ngô chứ!”.
Thế là ông “phá” một chiếc máy tuốt lúa đạp chân để nghiên cứu, tìm cách chế thành chiếc máy tẽ ngô. Ông gò các móc sắt, chế thêm nắp đậy, sàn lăn hạt, sàn xả lõi… rồi hồi hộp thử máy. Nhưng khi đổ ngô vào đầu này thì nó lại chui ra đầu kia “nguyên xi”. Vậy là, khởi đầu đã thất bại!
Không nản chí, ông lại đi mua sắt, lọ mọ đêm ngày làm lại lần thứ hai. “Bố tôi suốt ngày chỉ máy với móc thôi. Cứ cơm nước xong là y như rằng, hết tay búa tay kìm lại đến ốc vít. Tối đi ngủ rồi còn nói mơ đến băng tải ngắn, băng tải dài, hẹp hay rộng”, con ông kể lại. Lần này, ông kê răng trong quả lu dày hơn, chỉnh đường băng tải, đường băng bóc… rồi thử máy. Ngô không lọt ra như lần trước mà nó… mắc kẹt luôn trong máy!
Có ngày nên kim
Ông ngồi thừ ra, rồi không lâu sau ông lại bắt tay vào thử nghiệm lần ba. Trong lần này, ông đã tìm ra bốn yếu tố quan trọng nhất để máy hoạt động thành công: kết hợp hoàn chỉnh giữa quả lu, đường băng tải, băng bóc và khoảng cách cự ly. Thế rồi ông đã “nhảy cẫng” lên vui mừng khôn tả khi những hạt ngô nguyên vẹn óng vàng chảy đều đều theo đường dẫn lăn xuống thúng.
Năm 2001, chiếc máy “đời một” của ông đã thành công, được gọi theo đúng chức năng “3 trong 1”: đập, tẽ ngô; tách, tuốt vỏ lạc; vò vỏ đậu tương.
Không dừng lại, ông tiếp tục mày mò, cải tiến, nâng cấp chiếc máy “đời một” lên thành máy “đời hai” với công dụng “5 trong 1”: có thêm hai chức năng mới là tuốt lúa và gieo hạt. Ông Viên cho biết: “Chiếc máy “5 trong 1” có khả năng gieo các loại hạt như đậu tương, đậu xanh, ngô… với hiệu suất cao, đạt chuẩn tới 90%”.
Hiện nay, chiếc máy của ông có thể gieo hạt trên diện tích gần 4.000m2/ngày và theo ông thì “có thể nâng công suất gieo hạt của máy lên 5ha/ngày”.
Sau nhiều lần cải tiến nâng cấp, chiếc máy đa năng của lão nông Viên có thể đập, tẽ một tấn ngô trên một giờ mà chỉ tiêu thụ hết có vài kw điện; có thể tuốt từ ba đến năm sào đậu tương trong một giờ. Những công việc này, trước đây gia đình ông phải mất hàng tuần mới làm xong.
Ông nói: “Chiếc máy này hình thức mẫu mã chưa thật đẹp vì tôi làm thủ công gò bằng tay, nhưng nó nhỏ gọn có thể len lỏi vào tận ngõ hẻm hay xuống các thửa ruộng. Máy có thể chạy bằng mô tơ phát điện hoặc bằng máy nổ, nếu không có điện và máy nổ thì đạp thủ công bằng chân cũng được”.
Quy trình vận hành hoạt động của chiếc máy đa năng cũng hết sức dễ dàng, đơn giản, muốn chuyển từ đập tẽ ngô sang bóc, tuốt lạc hay đậu tương chỉ cần mất vài phút thay đổi quả lu bên trong là được.
Sản phẩm hữu ích của ông được bà con nông dân đón nhận nồng nhiệt. “Tiếng lành đồn xa”, ông đã bán gần 30 chiếc cho bà con trong vùng và một số tỉnh lân cận. Cứ hàng năm, ông Viên được mời đi dự các hội chợ về khoa học kỹ thuật nông nghiệp.
Một lãnh đạo xã Khả Phong, cho biết: “Ông Viên luôn là công dân gương mẫu trong xã, đặc biệt với những cống hiến của mình, bác được UBND tỉnh Hà Nam tặng bằng khen, được kết nạp là hội viên Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam”.
Ông Viên cho biết: “Tôi rất sẵn lòng hợp tác với các doanh nghiệp để hoàn thiện về mẫu mã, kiểu dáng và các chức năng của chiếc máy, nhằm đưa vào dây chuyền sản xuất đại trà phục vụ cho bà con nông dân” .
Hải Ninh – SGGP Online
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét