Thứ Hai, 15 tháng 12, 2008

Máy diệt ruồi đục quả và bướm đêm

Đây là chiếc máy do ông Trần Quốc Trung (xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) sáng chế, thử nghiệm cho thấy nó khá hiệu quả trong việc diệt ruồi đục quả và bướm đêm.

Máy dùng dòng điện lưới 220 V hoặc điện bình (ắc quy 12 V, 50 A), được tăng lên 2.000 V để đốt cháy cánh, chân, đầu, đuôi côn trùng khi va vào lưới thép dày khoảng 0,5 - 1 cm, khiến côn trùng chết. “Tình cờ một lần thấy cây vợt điện diệt muỗi của Trung Quốc bán trên thị trường, tôi liền nảy ra ý định làm một cái máy diệt côn trùng…”, ông Trần Quốc Trung giải thích về điểm xuất phát ý tưởng làm ra chiếc máy.

Máy diệt ruồi đục quả và bướm đêm này cùng nguyên lý và cấu trúc với các máy diệt rầy nâu và côn trùng đã được tác giả Trần Quốc Trung chế tác từ năm 2006. Máy diệt rầy nâu dẫn dụ rầy bằng ánh sáng, diệt bằng bẫy điện đã được khảo nghiệm tại nông trường Sông Hậu, thành phố Cần Thơ và bán sản phẩm cho nhà nông sản xuất lúa ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu. Theo ThS. Lê Văn Bằng (nông trường Sông Hậu), khảo nghiệm ở vụ đông xuân 2007 - 2008 với 10 máy diệt rầy nâu và côn trùng trên diện tích 10 ha, hiệu quả diệt rầy nâu là trên 95%, hạn chế sâu đục thân, sâu cuốn lá nên trong suốt mùa vụ, nông dân không xử lý bằng thuốc, giảm chi phí bình quân khoảng 4 triệu đồng/ha tiền thuốc và công phun xịt so với ruộng đối chứng. Sử dụng máy diệt rầy nâu và côn trùng còn có hiệu quả thân thiện với môi trường do nông dân hạn chế tiếp xúc với nông dược độc hại, góp phần bảo vệ sức khỏe trong thâm canh lúa hiện nay.

Bề ngoài trông máy như chiếc lồng chim hình trụ treo lên giá sắt hoặc trên cành cây bằng một cái móc (ảnh). Bộ phận quan trọng nhất của máy diệt ruồi đục quả và bướm đêm là tấm lưới inox hoặc thép không rỉ chạy điện một chiều có hiệu điện thế 2.000 V để ruồi đục quả, bướm đêm và các côn trùng khác lao vào mà chết. Phía trong và ngoài tấm lưới có chạy điện là tấm lưới thép mắt to nhằm bảo vệ tấm lưới trần có điện. Cả hai tấm lưới được cuốn hình trụ, ép khung đặt dọc theo máy.

Để diệt ruồi đục quả, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) đã cung cấp “bả dẫn dụ ruồi” vào buồng chứa. Nhằm khuếch tán rộng chất dẫn dụ, trong buồng chứa bả, ông Trung gắn một quạt điện nhỏ. Được cung cấp điện, quạt quay, tạo dòng không khí đưa “hương” của chất dẫn dụ lên cột trung tâm và lan tỏa ra ngoài, thu hút ruồi đục quả bay vào lưới nhiễm điện. Khi một bộ phận bất kỳ (chân, cánh, thân…) của ruồi chạm vào lưới dẫn điện 2.000 V thì ruồi đục quả làm “chập mạch” bởi chính bộ phận cơ thể chúng, tia lửa phát ra kèm tiếng nổ nhỏ và giòn như tiếng pháo tép.

Để thu hút bướm đêm bay vào lồng lưới điện, trong lòng ống lưới thép được lắp 2 bóng đèn huỳnh quang dài khoảng 60 cm. Một bóng phát ánh sáng màu trắng, bóng còn lại phát ánh sáng tím. Bướm đêm và các loại côn trùng hoạt động ban đêm khác bị hai thứ ánh sáng này hấp dẫn, bay vào, chạm lưới điện “cháy nổ” và chết.

Máy có thiết bị tự động đóng, mở. Khi trời sáng, mưa hay thời tiết ẩm ướt, thiết bị sẽ tự ngắt điện; ngược lại khi trời tối, máy khô ráo sẽ tự khởi động để tiếp tục thu hút ruồi ban ngày và bướm ban đêm để diệt bằng bẫy điện.

Trong hai ngày 4 và 5/8/2008, ngay khi máy được chỉnh sửa và vận hành theo góp ý của chuyên gia kỹ thuật và khách tham quan, một số ruồi đục quả đáng kể đã bị thu hút và diệt gọn. Ông Trung cho biết, máy tiêu hao khoảng 1 kW điện/đêm. Nếu sử dụng bình điện 50 A, hai đêm sạc bình một lần. Một máy treo trong phạm vi 1 ha vườn.

Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, trưởng phòng bảo vệ thực vật thuộc SOFRI, máy diệt ruồi đục quả và bướm đêm có ý nghĩa trong áp dụng sản xuất nông phẩm hữu cơ vì không sử dụng hóa chất độc hại.

Theo Luật sở hữu trí tuệ, máy đưa ra thị trường phải qua những khảo nghiệm trên vườn cây một cách khoa học để kết luận về khả năng cũng như đánh giá hiệu quả kinh tế của máy. Hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, đăng ký bản quyền, nhãn hiệu… là việc cần làm để khẳng định nguồn gốc hàng hóa và tăng cường uy tín sản phẩm. Đối với góc độ cạnh tranh, giá bán và lợi ích kinh tế, xã hội, tác động đến môi trường của máy so với các phương pháp khác cũng cần được nhà sản xuất làm hồ sơ kiểm chứng và có kết luận của các cơ quan quản lý trước khi tiến hành sản xuất đồng loạt.

Bài, ảnh: TUẤN MINH – Khoahọcphổthông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét