Báo Khoa Học Phổ Thông số 1152, ngày 29/7/2005, đã có bài giới thiệu về máy san phẳng ruộng lúa điều khiển bằng tia laser (gọi tắt là san phẳng laser, dịch từ laser leveling) được Trung tâm năng lượng và máy nông nghiệp (Đại học nông lâm TP.HCM) tiếp nhận từ Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và dùng thử nghiệm cho 12 ha ruộng lúa ở Bạc Liêu. Từ đó đến nay, trung tâm đã có những thiết kế, cải tiến cho phù hợp với nguồn động lực tại Việt Nam, như tính toán, thiết kế các loại gàu san phù hợp với các chủng loại máy kéo khác nhau; thiết kế bộ giải nhiệt dầu thủy lực của hệ thống nâng hạ; sửa chữa một số hư hỏng và điều chỉnh thiết bị điều khiển… Trên cơ sở này, các hoạt động khuyến nông và chuyển giao kỹ thuật 2005 - 2008 đã phát huy tác dụng rộng rãi.
Cấu tạo
Kết cấu hệ thống san phẳng điều khiển bằng laser
Hệ thống san phẳng lắp trên máy kéo MTZ 80
Bộ phát laser (transmitter): được gắn trên trụ cố định, phát chùm tia laser tỏa ra chung quanh, đưa tín hiệu đến máy kéo.
Bộ nhận laser (receiver): nhận tín hiệu và xác định độ cao so với mặt chuẩn từ bộ phát, và truyền tín hiệu đến hộp điều khiển; được lắp vào trụ trên gàu san sau máy kéo. Ngoài ra, còn một bộ nhận lắp trên dụng cụ đo cao độ, dùng khi khảo sát mặt đồng.
Hộp điều khiển: xử lý tín hiệu từ bộ nhận; được cài ở chế độ tự động để điều khiển hệ thống thủy lực nâng hạ gàu san tương ứng với độ cao muốn có; được lắp cạnh người lái máy để điều khiển bằng tay khi cần thiết.
Hệ thống thủy lực: nâng hạ gàu san theo tín hiệu từ hộp điều khiển.
Gàu san: có thể treo hoặc móc sau máy kéo; loại móc thì dễ lắp đặt hệ thống thủy lực hơn, vì dùng xy-lanh thủy lực riêng; loại treo phải sử dụng chung thủy lực của hệ thống treo 3 điểm; máy 80 HP có thể lắp gàu rộng 2 m, cao 1 m (công suất càng lớn, gàu càng lớn và năng suất san càng cao).
Máy kéo: nên dùng loại 4 bánh chủ động để ít trượt bánh. IRRI sử dụng các cỡ máy kéo 30 - 100 mã lực để san laser, trong khi thế giới đã dùng máy kéo tới 500 mã lực.
Tại Bạc Liêu
Mười hai hecta ở Trung tâm giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu với độ chênh lệch mặt đồng (lô thửa 1 - 3 ha) ban đầu là 200 - 350 mm đã được san, chỉ còn chênh lệch 20Ḡ 30 mm. Trong vụ hè thu 2005 và vụ đông xuân năm 2005 - 2006 trung tâm đã cấy lúa để theo dõi về năng suất và chất lượng lúa trên cánh đồng đã san phẳng. Kết quả ghi nhận rất khả quan so với ruộng không san phẳng:
- Giảm số lần bơm nước và chi phí còn một nửa.
- Giảm mật độ cỏ dại còn 45 - 66%; và cỏ phát sinh chậm hơn.
- Năng suất lúa cao hơn khoảng 350 kg/ha.
- Chất lượng gạo sau xay xát thể hiện qua tỷ lệ gạo nguyên cao hơn khoảng 3% (do hạt lúa chín đều hơn).
- Lợi nhuận (tính theo giá lúa giống 5.000 đ/kg vào năm 2006) tăng thêm 2,5 triệu đồng/ha.
Được chuyển giao kỹ thuật năm 2006, đến nay (2008), Trung tâm giống đã san thêm 20 ha trên địa bàn sản xuất giống lúa tại Bạc Liêu.
Tại An Giang
Hình 1: Máy san phẳng đang làm việc tại huyện Tri Tôn, An Giang (tháng 4/2007)
Tháng 5/2006, Trung tâm năng lượng và máy nông nghiệp (TTNL MNN) phối hợp với Cục bảo vệ thực vật, Bộ nông nghiệp, và Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh An Giang (CCBVTTAG) san phẳng laser và tiến hành các thí nghiệm trình diễn về chương trình “3 giảm, 3 tăng” tại huyện Châu Thành trong hai vụ đông xuân 2006 và 2007. Theo báo cáo của CCBVTTAG, so với đối chứng không san phẳng, lúa trên lô đất san phẳng cho phép kết hợp với các biện pháp khác, nên năng suất đạt được cao hơn 1,5 tấn/ha (8,4 tấn so với 6,9 tấn/ha), và chi phí sản xuất giảm, trong đó công lao động làm cỏ giảm từ 6 triệu xuống còn 4 triệu đồng/ha, lượng dầu diesel dùng bơm nước giảm từ 80 lít xuống còn 30 lít/ha.
Mô hình phát triển cơ giới hóa thành công ở Đồng bằng sông Cửu Long là: một người nông dân làm chủ máy, làm cho ruộng nhà và làm cho hàng trăm nông dân khác. Năm 2007, TTNL MNN đã thuyết phục IRRI hỗ trợ thêm một bộ điều khiển laser, rồi cho một nông dân mượn lại: đó là ông Nguyễn Lợi Đức, ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, An Giang, được Sở nông nghiệp tỉnh giới thiệu và bảo lãnh. Ông Đức có sẵn máy kéo và đã đầu tư thêm gàu san. Được một kỹ sư của TTNL MNN tập huấn và chuyển giao kỹ thuật san phẳng laser trong 2 tuần trên 10 ha ruộng nhà, cho đến nay ông Đức đã san phẳng được 50 ha (Hình 1). Với những kết quả mà việc san phẳng laser mang lại, ông Đức mong muốn được mua một bộ thiết bị laser để mở rộng diện tích thi công, đáp ứng nguyện vọng của nông dân trong vùng, và trả lại bộ laser đã mượn để TTNL MNN đem giới thiệu ở nơi khác.
Sở nông nghiệp và PTNT An Giang có kế hoạch đưa kỹ thuật san phẳng laser vào vùng 10.000 ha lúa chất lượng cao của tỉnh. Đã có 4 nông dân hỏi mua thiết bị này, dù biết rằng giá máy khá cao (100 triệu đồng). Năm 2008, TTNL MNN đã phối hợp với một công ty nhập khẩu thiết bị, để bán lại cho nông dân.
Tại Lâm Đồng
Hình 2: Mặt đồng sau khi san tại huyện Lâm Hà, Lâm Đồng (tháng 1/2008)
Trại giống Lâm Hà (xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) thuộc Công ty giống cây trồng miền Nam có diện tích khoảng 30 ha. Do địa hình đồi dốc nên để có những lô đất tương đối phẳng để sản xuất lúa giống và rau, nơi đây phải phân ra đến 300 lô nhỏ… Với ý muốn mở rộng diện tích từng lô nhằm tăng diện tích hữu dụng của đất và tăng khả năng cơ giới hóa các khâu canh tác, khi được giới thiệu những ưu điểm của phương pháp san phẳng laser, ban giám đốc công ty đã hợp đồng với TTNL MNN thực hiện quy hoạch, cải tạo toàn bộ diện tích trại giống, qua đó đã san phẳng và hình thành những lô thửa mới với diện tích bình quân 4.000 m2/lô (Hình 2). Chi phí cải tạo và san phẳng địa hình này là khoảng 9 triệu đồng/ha, bao gồm cả chi phí vận chuyển máy đi - về từ TP. Hồ Chí Minh đến Lâm Hà.
Tại Savanakhet (Lào)
Hình 3: Chuyển giao kỹ thuật san laser tại Lào (tháng 4/2008)
Với những kết quả tích cực đạt được trong việc phổ biến và ứng dụng thiết bị tại Việt Nam, Viện IRRI đã hợp đồng với TTNL MNN để hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật san phẳng laser cho Lào. Một khóa huấn luyện chuyển giao kỹ thuật được tổ chức vào tháng 4/2008 tại Trung tâm nghiên cứu giống lúa Thasano, tỉnh Savanakhet (Hình 3). Đến nay phía Lào đã tự thực hiện san phẳng được 10 ha tại Thasano.
Tóm tắt:
Qua hơn 3 năm phối hợp với các cơ quan nông nghiệp để ứng dụng thử nghiệm thiết bị san phẳng laser và triển khai trên diện rộng, kết quả đạt được rất khả quan.
Giá đầu tư thiết bị và chi phí thi công là mối băn khoăn chính hiện nay. Cần tổ chức thi công với diện tích tương đối tập trung, giảm chi phí vận chuyển thiết bị, tăng thời gian sử dụng máy trong năm để giảm chi phí và rút ngắn thời gian thu hồi vốn. TTNL MNN và các cơ quan phối hợp sẵn sàng tư vấn, phối hợp cùng các địa phương và bà con nông dân để triển khai kỹ thuật mới này vào sản xuất.
PHAN HIẾU HIỀN, TRẦN VĂN KHANH,
NGUYỄN ĐỨC CẢNH, PHẠM DUY LAM
(Trung tâm năng lượng và máy nông nghiệp, Đại học nông lâm TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét