Mới đây có một loại công cụ khác có thể giúp cải thiện tình hình để diệt RầY NÂU đúng cách. Trong quá trình hợp tác giữa Viện Lúa ĐBSCL và DN tư nhân nhựa Hoàng Thắng để thiết kế và chế tạo máy gặt đập liên hợp, chúng tôi đã phát hiện anh Phạm Hoàng Thắng, Giám đốc DN có bằng sáng chế độc quyền (số 5479) do Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp ngày 22/ 2/2006 về “xe phun xịt dung dịch” dùng để áp dụng thuốc trừ sâu bệnh, diệt cỏ, phân bón lá và các dung dịch tương tự trên ruộng cây trồng.
Những điểm khác biệt cơ bản của xe phun xịt này với các bình phun thuốc đeo vai thông thường hiện nay là: xe phun xịt được di chuyển trên hai bánh xe chứ không phải đeo trên vai; áp suất trong bình phun được tạo ra từ hệ thống pít- tông bởi quá trình di chuyển của hai bánh xe liên kết với phần trục khuỷu của trục bánh xe nhờ một hệ thống tay đòn; khi kéo xe đi phun, người sử dụng đi phía trước nên giảm thiểu tối đa sự tiếp xúc với chất hóa học độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tuy nhiên từ khi được công nhận đến nay đã trên 2 năm, xe phun xịt vẫn chưa đi vào cuộc sống phục vụ sản xuất một cách thiết thực. Chúng tôi có dịp quan sát và đề xuất một số cải tiến để hoàn thiện công cụ này. Các cải tiến mới như: Thay giàn bơm áp suất hoạt động bởi bánh xe bằng một động cơ xăng mini hiệu Honda 1 mã lực với mức tiêu hao nhiên liệu 1 lít xăng cho 4 giờ hoạt động. Kế đến là lắp đặt hệ thống theo dõi và điều chỉnh áp suất trong bình phun. Sau nữa là các ống vòi phun được bố trí nghiêng xuôi ra phía sau, luồn xuống dưới gốc lúa để phun trực tiếp lên địa bàn sinh sống của quần thể RầY NÂU.
Hoạt động trên đồng ruộng rất hiệu quả
Hiện nay mẫu máy cuối cùng có các đặc điểm sau: Chiều dài máy từ trước ra sau 1,7 m; chiều cao 1,2 m; trọng lượng máy 27 kg; thùng chứa dung dịch 34 lít có thể phun cho 1.000 m2; chiều rộng giữa hai bánh xe 1,4 m; chiều ngang giàn phun 5m; khoảng cách giữa các ống gắn béc là 0,5 m (xem ảnh). Ưu điểm cơ bản của công cụ này là cho phép điều chỉnh độ cao vòi phun rà sát tận gốc lúa để diệt RầY NÂU mà không bị vướng do cây lúa cao, rậm rạp. Áp suất cao được tạo ra bởi động cơ nên những giọt thuốc được trải nhuyễn, mịn, đều và có thể điều chỉnh theo ý muốn.
Với công cụ phun tận gốc này nông dân có thể đảm bảo việc phun đúng cách vào giai đoạn 40- 45 ngày sau sạ nếu trong ruộng có khoảng 3 con rầy/tép lúa nhằm bảo vệ lúa không bị cháy rầy, kết hợp với ba nguyên tắc đúng đắn còn lại như: đúng loại thuốc (nếu chỉ chống lột xác thì dùng nhóm buprofezin) để diệt cả rầy non và rầy trưởng thành, thuốc vừa có tính tiếp xúc, vị độc và cả lưu dẫn thì dùng một trong những hoạt chất thuộc các nhóm như: fenobucarb, imidacloprid, benfuracarb, dinotefuran, clothianidin…; đúng liều lượng theo sự hướng dẫn ghi trên bao bì, cần lưu ý phun đủ lượng nước để thuốc được trải đều dưới gốc. Hy vọng công cụ mới này sẽ góp phần vào việc khống chế hữu hiệu RầY NÂU, bảo vệ ruộng lúa cho bà con nông dân.
PGS.TS DƯƠNG VĂN CHÍN
Theo NNVN - www.hoinongdan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét