Các chuyên gia Mỹ vừa vận hành thử nghiệm một loại tàu ngầm mới có thể “bay lượn” dưới nước giống như trực thăng ở trên không.
Odyssey IV side view - image: MIT.edu
Tàu Odyssey IV, do các chuyên gia thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chế tạo, là sản phẩm mới nhất trong loạt tàu ngầm nhỏ, ít tốn kém và thông minh. Tàu ra đời tại Phòng thí nghiệm các phương tiện dưới nước tự động thuộc Chương trình tài trợ nghiên cứu biển của MIT. Odyssey IV cho phép thực hiện các ứng dụng như thăm dò dàn khoan dầu, quan sát các quần thể động thực vật dưới đáy đại dương và các cuộc nghiên cứu hải dương học khác.
Các loại tàu ngầm Odyssey trước đây chỉ có thể vận hành trong khi liên tục di chuyển về phía trước, nhưng Odyssey IV đã khắc phục được nhược điểm này. Nó có thể di chuyển dưới độ sâu đến 6.000 mét, dừng lại ở bất kỳ đâu dưới nước và thường xuyên tự điều chỉnh cho phù hợp với các luồng nước cũng như để tránh chướng ngại vật. Theo chuyên gia Chryssostomos Chryssostomidis (thuộc Chương trình tài trợ nghiên cứu biển của MIT), tàu Odyssey IV có thể “lượn” theo kiểu trực thăng trên không đến một khu vực nào đó dưới biển sâu và thực hiện các cuộc khảo sát tỉ mỉ. “Trước đây, bạn chỉ có thể lái tàu ngầm đến một hiện trường, chụp một bức ảnh, rồi lặp lại hành động này nếu muốn chụp một bức ảnh khác. Giờ đây, tôi có thể dừng lại ở một nơi tôi thích, lưu lại tại đó và thực hiện các hoạt động quan sát hay đo đạc”, ông này cho biết.
Odyssey IV overhead view - image: MIT.edu
Mùa hè vừa qua, tàu ngầm Odyssey IV đã lần đầu trình diễn khả năng của mình trong sứ mệnh khoa học đầu tiên là khảo sát khu vực Georges Bank của vịnh Maine, vốn rất quan trọng đối với ngành khai thác thủy hải sản của vùng này. Khả năng của tàu Odyssey IV không chỉ dừng lại ở quan sát vật thể thông qua hệ thống camera. Nó còn có một cánh tay robot có thể “bốc dỡ” hàng hóa dưới nước như một trực thăng cỡ lớn hoặc thậm chí mở/đóng van của một dàn khoan dầu. “Chúng tôi có thể thăm một giếng dầu, lấy mẫu thử và đưa lên bờ để thử nghiệm”, ông Chryssostomidis nói. Không chỉ biết lượn, tàu còn có thể di chuyển nhanh với tốc độ lên đến 2 mét mỗi giây. Cả hai khả năng lướt nhanh và dừng tại chỗ đạt được thông qua sự phối hợp hành động của các “vây” và động cơ đẩy (tương tự tên lửa đẩy lùi) ở hai bên thành tàu, cũng như của phần mũi và đuôi của chiếc tàu có chiều dài 2 mét này.
Odyssey IV front view - image: MIT.edu
Sau các cuộc thử nghiệm đầu tiên, các nhà chế tạo Odyssey IV đang tập trung vào việc phát triển thêm nữa những khả năng lưu trữ điện năng và thông tin liên lạc để tàu có thể ở dưới nước lâu hơn, “phủ sóng” một khu vực địa chất rộng lớn hơn và gửi nhiều dữ liệu hơn về đất liền. Mục tiêu cuối cùng của các nhà nghiên cứu là tàu Odyssey IV có thể ở dưới nước 1 năm, thu thập và gửi thông tin về “căn cứ” đất liền nhanh chóng mà không cần quay trở lên mặt nước.
Theo Trùng Quang - Thanh Niên - Images: MIT.edu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét