Thứ Ba, 16 tháng 12, 2008

Máy bay AC-130 trong chiến tranh Việt Nam

ừ năm 1966, để ngăn chặn công cuộc tiếp tế trên Đường mòn Hồ Chí Minh, Mỹ thiết lập Hàng rào điện tử Mc Namara, bắt đầu từ Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị), dọc Đường 9 đến Sê Pôn (Nam Lào), kết hợp với chiến thuật dùng máy bay đánh phá đường, cầu, các trọng điểm giao thông… ( xem clip cuối bài )

ac130

Phương thức này rất tốn kém mà ít có hiệu quả, nên bắt đầu từ năm 1971, Không quân Mỹ chuyển sang chiến thuật dùng máy bay cường kích AC-119 Shadow (”Bóng đêm”) chủ động tìm đánh xe cơ giới của ta lưu thông trên tuyến. Đây nguyên là loại máy bay vận tải hai thân, được cải tiến thành máy bay đánh đêm, lắp pháo liên thanh 2 nòng 20ly kiểu M61A1, pháo có tốc độ bắn 2.400phát/phút, mỗi phi vụ mang 4.500 viên đạn, việc phát hiện và ngắm bắn đều bằng thiết bị khuếch đại tia hồng ngoại.

Đầu năm 1972, trên cơ sở mô hình “máy bay vận tải gắn pháo” (Gunship), lần đầu tiên Mỹ đưa vào sử dụng máy bay cường kích AC-130 Spectre (”Bóng ma”). Nó được trang bị 1 khẩu pháo 40ly, nguyên gốc là loại pháo cao xạ liên thanh mặt đất, với 440 viên đạn. Pháo có bộ kính ngắm khuyếch đại ánh sáng hồng ngoại gấp 4 vạn lần, tham số bắn hoàn toàn do máy tính điện tử điều khiển nên độ bắn chính xác cao. Máy bay thường hoạt động ở độ cao khoảng 3km, từ 8 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau. Nó còn được gắn các máy phát nhiễu tích cực nhằm chống rađa của tên lửa và pháo, đồng thời luôn có 2 chiếc tiêm-cường kích F-4D bay kèm để áp chế pháo cao xạ. Kíp bay AC-130 gồm 8 tên. Cơ chế hoạt động của AC-130 gồm: máy bay trinh sát (các kiểu RF-4C, RF-101, OV-10Avv…) bay trên tuyến giao thông cơ giới, thả “cây nhiệt đới” (ADSIDS = air-delivered seismic instrusion detector: thiết bị thả bằng máy bay phát hiện xâm nhập qua tiếng động) máy bay trinh sát điện tử 4 động cơ EC-121 bay tuần tra nhận tín hiệu xác định vị trí ® máy bay AC-130 đến đón bắn.

ac130-1

Trong cuốn hồi ức Đường xuyên Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, viết: “… khi AC.130 “túc trực” hết đêm này sang đêm khác từ đầu đến cuối tuyến, đặc biệt là khu vực nam-bắc đường số 9, hầu như không đoàn xe nào của ta không bị loài “ác điểu” này phát hiện tấn công. Bộ tư lệnh kết luận: Máy bay AC.130 là đối tượng cực kỳ nguy hiểm đối với xe vận tải hoạt động ban đêm. Nguy hiểm nhất là AC-130 có ưu thế hoạt động trên không với thời gian dài, bay bằng lượn vòng ngắn, tạo thành một “pháo đài di động”, thay nhau liên tục khống chế đánh phá đội hình xe của ta”.
Tại những trọng điểm nổi tiếng như Cua chữ A, đèo Phu La Nhích, ngầm ta Lê vv… xác xe vận tải của ta bị C-130 bắn cháy nhiều vô kể. Ngầm là đoạn đường rải đá đi qua lòng sông suối, hai bờ dốc lên xuống bị bom đánh lở loét, do xe lên xuống gây lầy lội nên xe thường bị sa lầy ùn tắc ở đây, khi đó AC-130 đến bắn chặn đầu khoá đuôi, có đêm tổn thất hàng chục chiếc. Dọc hai bên đường, cửa những chiếc hầm ếch khoét vào vách ta-luy đều che chắn bằng cánh cửa xe ô-tô cháy đó. Nhiều đêm liền xe không lưu thông được vì máy bay địch hoạt động lúc dai dẳng, lúc dữ dội.
ac130_header
Để giảm thiệt hại, bộ đội ta có nhiều sáng kiến chống AC-130. Với thiết bị trinh sát điện tử “cây nhiệt đới”, ta thu tìm phá huỷ, một số binh trạm đặt máy nổ gần để gây âm thanh và chấn động nhằm nghi binh cho địch kéo đến, cùng thời gian này đội hình xe đi trên cung đường khác. Trên những đoạn đường địa hình có sườn đồi vách núi, công binh đào khoét vách làm những hầm xe chắc chắn, khi có máy bay địch xe cơ giới ẩn nấp vào đó. Tại những vùng rừng già, rừng khộp, rừng săng lẻ, công binh làm “đường kín” dưới tán lá rậm, xe có thể đi ban ngày. Các đoàn xe xuất phát và tập kết vào thời gian “lấn sáng, lấn tối”, tức là xuất phát sớm ngay từ 4-5 giờ chiều, tập kết vào kho bãi muộn lúc 7-8 giờ sáng; đây là những thời điểm chuyển giao giữa hai loại máy bay địch: khi tắt nắng và khi hửng sáng, loại máy bay trinh sát ban ngày không còn khả năng hoạt động, còn AC-130 chưa dám xuất hiện vì trời nhá nhem dễ bị cao xạ nhằm bắn bằng mắt thường. Công binh còn làm nhiều đoạn đường tránh, cầu giả để phân tán và thu hút địch, tuỳ từng chiến dịch, cung đường vận chuyển.

Cách chống phá địch hiệu quả nhất, chủ động nhất là điều lực lượng lớn cao xạ, tên lửa vào chiến trường: từ năm 1969 ta điều Sư đoàn phòng không 367 vào Đường mòn Hồ Chí Minh, sang năm 1971 ta thành lập Bộ tư lệnh phòng không cửa khẩu, gồm nhiều trung đoàn pháo cao xạ, tên lửa, bảo vệ các cửa khẩu và tuyến đường quan trọng như Đường 12, Đường 18, Đường 20vv…, từng tiêu diệt nhiều kiểu loại máy bay địch, khống chế giảm thiệt hại do AC-130 gây ra.

Chiến thuật đánh địch của pháo cao xạ là mỗi tiểu đoàn bố trí phân tán dọc đường cơ giới, trên những quãng dài 20km, chủ yếu tại các trọng điểm như ngầm, ngã ba, kho tàng, trận địa pháo mặt đất vv… Từng khẩu đội nguỵ trang kỹ, cách nhau khoảng 1km, liên lạc với Sở chỉ huy Đại đội bằng điện thoại dây. Hàng đêm, mỗi khi nghe tiếng máy bay địch ầm ì từ xa khoảng 10-15km, Chỉ huy lệnh từng khẩu bắn lên để vừa chặn địch, vừa báo hiệu cho xe đang trên đường biết mà tránh. Khi AC-130 bắn pháo xuống, do đầu nòng pháo có tán che lửa nên dưới đất không thể nhìn thấy chớp lửa, bởi vậy Sở chỉ huy lệnh từng khẩu đội bắn chặn theo vùng tiếng động cơ, tuỳ theo vị trí vòng bay của địch. Bởi đạn 37ly của ta có tiết sáng vạch đường, khi bắn lên lập tức hai chiếc phản lực F-4D Con ma bổ nhào theo vết lửa, lao xuống trận địa để “chụp” bom bi, bom phá, bom na-pan, vv… Nhiều đêm trận chiến kéo dài hàng giờ, trên trời bom ném xuống, dưới đất pháo bắn lên, pháo sáng, địa tiêu, lửa đạn sáng đỏ rực cả một vùng trời. Tuy nhiên cách bắn luân chuyển của cao xạ khiến máy bay địch ném bom hú họa xuống trận địa kém chính xác, hạn chế nhiều thiệt hại. C-130 luôn phải tránh vùng ảnh hưởng đạn cao xạ nên đường bay mất ổn định, bắn mãi hết đạn hoặc hết giờ bay phải bỏ đi. AC-130 cũng rất sợ những đêm sáng trăng, dưới đất nhìn lên dễ thấy, chỉ một loạt đạn cao xạ bắn lên là chúng lảng. Vào mùa mưa, mây mù và hơi nước đậm đặc hấp thụ hết tia hồng ngoại, bởi vậy C-130 hoạt động kém hiệu quả. Tuy xác xuất bắn trúng máy bay địch là rất nhỏ, nhưng do đạn pháo 37mm nổ hết tầm là 6,7km, trong khi AC-130 bay ở độ cao 3km, nên chúng vẫn phải tránh ảnh hưởng, như vậy pháo cao xạ đã tạo hành lang an toàn cho xe đi trên đường, đồng thời là “báo động” cho những đoàn xe cách đó hàng chục km để ẩn tránh. Với phương châm bắn “đổi đầu đạn pháo lấy đầu xe”, đây là nhiệm vụ hàng đầu của cao xạ bảo vệ giao thông.

Đối với xe tăng và xe thiết giáp của ta, do có vỏ thép dày nên đạn 40 ly từ AC-130 bắn xuống không đủ sức xuyên phá mà chỉ như “gãi ghẻ”. Tháng 3-1972, trong một cuộc hành quân đêm của một Tiểu đoàn đoàn xe tăng T-54 gồm 11 chiếc vào chiến trường Tây Nguyên để chuẩn bị cho Chiến dịch Đăc Tô-Tân Cảnh, đoàn xe bị một máy bay AC-130 phát hiện và chặn bắn. Một chiếc trong đoàn liền tách ra và vượt lên, vừa chạy vừa bật đèn pha sáng chưng cho địch rượt bắn. Sau đó rồi bằng tài trí và lòng dũng cảm, kíp xe này đã tìm được vị trí ẩn nấp, vô hiệu hoá kẻ địch. Các chiếc còn lại thừa cơ tìm nơi cất dấu xe. Địch mất hết các mục tiêu, đêm đó cả đoàn tới nơi tập kết an toàn. Một cựu chiến binh xe tăng từng giáp mặt với AC-130 bắn đêm, nhớ lại: “Khi ngồi trong xe đậy nắp tháp pháo lại, nghe đạn nổ bên ngoài lốp bốp như ngô rang mà chẳng hề gì”.

Trong chiến dịch đánh chiếm thị xã Lộc Ninh năm 1972, đêm 6-4, một phân đội xe tăng của ta trên đường hành quân chiếm lĩnh trận địa, bị máy bay AC-130 phát hiện, chúng chiếu đèn pha xuống chỉ điểm cho bộ binh địch ngắm bắn. Lập tức nó bị pháo cao xạ tự hành ZSU-57-2 (loại xe tăng mang pháo cao xạ 57ly hai nòng) bắn trúng, chiếc AC-130 lập tức rơi ngay tại chỗ.

Cuối năm 1972 địch đưa ra sử dụng kiểu AC-130 mới, có gắn pháo 105ly. Đây nguyên là lựu pháo (cannon) kiểu M102. Nguyên khẩu pháo có càng này nặng 1,6 tấn, loại dùng xe ô-tô kéo, tầm bắn xa 11,5km, tốc độ bắn 6-10phát/phút, loại pháo này thường được pháo binh Mỹ-nguỵ dùng rộng rãi. Mỗi phi vụ AC-130 mang được 100 viên. Đạn pháo 105ly có sức công phá lớn, chỉ nổ gần xe vận tải cũng gây cháy nổ, phá huỷ. Kiểu AC-130 này khi gặp cao xạ bắn lên chúng liền bỏ mục tiêu xe trên đường để nã đạn xuống trận địa, mà không cần máy bay phản lực F-4D đánh áp chế, có trận chúng bắn phản pháo đến tận khi hết đạn. Kiểu AC-130 này địch “chế” ra chưa nhiều, hoạt động được vài ba tháng thì cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Dương kết thúc. Rõ ràng là mọi nỗ lực cải tiến vũ khí của Mỹ cũng không thể ngăn chặn nổi công cuộc tiếp tế chi viện của ta vào chiến trường.

Sau đây là một số các trận đánh Bộ đội Trường Sơn bắn rơi máy bay AC-130: hồi 21giờ 44phút ngày 4-3-1971, Tiểu đoàn tên lửa 83 (Trung đoàn tên lửa 237) bắn rơi tại chỗ một chiếc AC-130. Hồi 18giờ 28phút ngày 23-12-1971, Đại đội 2 cao xạ 37ly (Tiểu đoàn 11, Trung đoàn cao xạ 250), với kinh nghiệm quan sát quy luật đường bay của AC-130, chọn đúng thời điểm đường bay ổn định trong chu kỳ lượn vòng e-líp, với 16 viên đạn hạ tại chỗ máy bay địch. Hồi 22giờ ngày 27-2-1972, Tiểu đoàn tên lửa 67 phóng 2 đạn, bắn rơi 1 chiếc AC-130 tại bắc Đường 9 phía Tây Trường Sơn, địch phải ngừng bay 3 đêm liền. Hồi 5giờ 12phút rạng sáng ngày 29-3-1972, trước một ngày ta nổ súng mở màn Chiến dịch Trị-Thiên, Tiểu đoàn 67 tên lửa bắn rơi tại chỗ chiếc AC-130, địch phải ngừng bay 15 đêm liền, tạo điều kiện cho ta đưa lượng lớn xe cơ giới vào chiến trường. Ngày 14-8-1972, tại ngã ba Máy Húc trên đường 20 Tây Trường Sơn, Đại đội 14 pháo 57ly (Trung đoàn cao xạ 591) bắn rơi chiếc AC-130.

Chiến dịch Trị-Thiên năm 1972, lần đầu tiên ta sử dụng tên lửa phòng không vác vai A-72, bắn rơi nhiều loại máy bay địch. Trên tuyến bảo vệ giao thông, Tiểu đội 2 (Đại đội 2, Trung doàn 241, Sư đoàn phòng không 367) qua nhiều đêm theo dõi đã nắm rõ quy luật hoạt động của AC-130. Hồi 20giờ tối 18-6-1972 tại Bản So, phân đội phát hiện bóng địch mờ mờ ảo ảo trên nền trời tối, nó đang săn tìm xe trên Đường 12. Khi máy bay địch lọt vào kính ngắm, súng nhận tia hồng ngoại phát từ máy bay địch, xạ thủ bóp cò. Quả đạn sáng rực lượn đường cong bám theo rồi “hút dính” vào mục tiêu, chiếc AC-130 lập tức nổ tung sáng rực thành 4 mảnh rơi ngay tại chỗ.

Bộ đội không quân cũng tổ chức một số trận đánh AC-130 song không có cơ hội xạ kích, bởi địch có ra-đa cảnh giới từ xa, Mig-21 vừa cất cánh địch đã phát hiện được và lẩn trốn; hoặc do máy bay Mig-21 bay cao hơn, chênh lệch lớn so với AC-130.
ac130_cv_1
Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ từng chế tạo 18 chiếc C-130 thành các kiểu AC-130A, AC-130E, AC-130H, túc trực tại các căn cứ ở Thái Lan. Mỗi đêm hơn nửa số đó cất cánh, săn lùng xe ta trên khắp nẻo đường chiến trường. Tổng cộng đã có 8 chiếc bị cao xạ, tên lửa ta bắn rơi.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Trước ngày Hiệp định có hiệu lực, ngoài khối lượng lớn vũ khí trang bị để lại, Mỹ còn viện trợ thêm khối lượng thiết bị chiến tranh rất lớn cho Quân đội Sài Gòn, chiến dịch này mang tên “Enhance” và “Enhance Plus” (”Tăng cường”). Riêng về máy bay quân sự, Mỹ trao thêm 20 chiếc C-130. Để có số máy bay này, Mỹ còn phải tức tốc “vay” của Nam Hàn, Đài Loan và Iran. Quân đội Sài Gòn trở thành nước có lực lượng Không quân đứng hàng thứ 3 trên thế giới. Tuy có số lượng lớn nhưng chủng loại vũ khí trang bị lại kém hiện đại. Có một nhận xét về chất lượng hàng viện trợ này “: “Tuy nhiên, như tướng John Murray, viên chỉ huy cơ quan DAO ở Sài Gòn, đã bình luận: “Ai cũng tưởng tin về vụ chuyển giao quân dụng cho Việt Nam cộng hoà. Thật ra đó chỉ là những quân dụng hư hỏng hoặc cũ kỹ, lỗi thời. Phần lớn là đồ thặng dư, đòi hỏi phải bảo trì quá nhiều.”. Một bằng chứng là, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực được một thời gian ngắn, việc vận tải trên Đường Trường Sơn của ta hoàn toàn hoạt động vào ban ngày. Các máy bay AC-130 của không quân Sài Gòn chỉ gắn pháo 20 ly, chỉ hoạt động vào ban ngày, để yểm trợ bộ binh trong các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng.

Trưa ngày 30-4 -1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng, một số lượng lớn máy bay địch chưa chạy kịp phải bỏ lại gồm 887 chiếc các loại, trong đó có 7 chiếc C-130. Trong vài năm sau đó, một số trong các máy bay C-130 này được Không quân ta dùng vào nhiều việc như vận tải tiếp tế, tuần tra bảo vệ biên giới hải đảo vv…. Hiện nay tất cả đã quá “date” do không có phụ tùng thay thế, nằm chỏng trơ, chờ mang vào Viện bảo tàng hoặc cưa cắt làm phế liệu.

Tác giả: Trọng Thanh. (Theo quansuvn) - vndefence

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét