Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, từ tháng 3-1965 đến tháng 11-1968, Không quân Mỹ (KQM) chủ yếu dùng máy bay F-105D Thần sấm. Được gọi là “lính xung kích của Mr Namara” nhưng loại này có đầy nhược điểm: tốc độ bay chậm, chỉ cường kích được ở trạng thái bổ nhào, tính cơ động tránh hoả lực phòng không kém, khả năng tự vệ kém nên phải có tiêm kích F-4 Con ma bay hộ tống.
Điểm yếu nhất của F-105D là chiếc động cơ kiểu J-75-P-10W thường nổ tung ngay khi hỏng hóc, dẫn đến tổn thất lớn về phi công và máy bay. Riêng năm 1967 có 1.067 máy bay các loại bị hạ, trong số 600 chiếc F-105D trên chiến trường Đông Dương thì có tới khoảng 400 chiếc F-105D bị loại khỏi vòng chiến đấu, bởi vậy giới quân sự Mỹ chấm dứt sản xuất loại này. Đồng thời các nhà chế tạo quân sự cũng ra sức cải tiến loại máy bay F-4 Con ma gồm các kiểu B, C, D, E, G, H, J làm mọi chức năng chiến thuật như cường kích, tiêm kích, trinh sát v.v… Nó có ưu điểm: có hai buồng lái cho hai phi công nên có thể kết hợp một số nhiệm vụ chức năng công tác cùng một lúc; với kiểu động cơ kép gồm 2 chiếc J79-GE-17A, loại này khi cháy hỏng vẫn không bị nổ; bởi vậy nhiều trường hợp máy bay bị chết một bên động cơ vẫn bay về được tới căn cứ. Mỹ đã từng sản xuất 5.195 chiếc F-4 các loại. Tuy vậy máy bay F-4 vẫn có những nhược điểm: không hoạt động tốt được dưới 500 mét nên dễ bị ra-đa phòng không phát hiện; mang tải không lớn (3,2 tấn bom so với F-105D là 5,4tấn); tự trọng nặng 24 tấn nên khi chiến đấu, vận tốc lên cao nhỏ cho nên khi lâm trận không chiến trường rơi vào thế bị động… Bởi vậy các tổ hợp quân sự Mỹ vẫn ấp ủ ý đồ chế tạo được một kiểu máy bay mới khắc phục được các nhược điểm trên, hơn thế nữa nó phải thay thế được cả máy bay ném bom chiến lược B-52 Pháo đài bay mà loại này thường bất đăc dĩ phải dùng làm nhiệm vụ chiến thuật.
Cuối tháng 11-1967 khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất lên tới đỉnh cao, bộ chỉ huy Tập đoàn không quân số 7 trên đất Thái Lan tổ chức tại sân bay Tăcli hội nghị lấy lên là “Cuộc họp của những người hoạt động ở thung lũng Sông Hồng”, thành phần gồm Ban chỉ huy và 20 phi công lão luyện nhất của các Liên đội 338 (sân bay Còrạt), Liên đội 335 (sân bay Tăcli), Liên đội 8 (sân bay Ubon), Liên đội 432 (sân bay Uđon). Hội nghị đưa ra một số giải pháp nhằm giảm thiệt hại về máy bay, trong đó có việc đưa loại máy bay mới nhất là F-111 sang chiến trường Đông Dương.
Máy bay phản lực F-111 do hãng General Dynamics chế tạo, là loại ném bom chiến thuật-chiến lược kiểu động cơ kép-hai người lái, lần đầu tiên bay thử năm 1965. Thân dài 22,4m; sải cánh lúc “xoè” rộng 19,2m, lúc “cụp” 9,47m; chiều cao 5,52m; trọng lượng rỗng 20,943 tấn, trọng lượng cực đại 41,5 tấn. Khi bay cao 18km vận tốc cực đại đạt 2,2 Mach (gấp 2,2 lần vận tốc âm thanh), tốc độ trung bình 800-1000km/h, tốc độ hạ cánh 185km/h, bán kính hoạt động 5.093km, sức tải tối đa 13,610 tấn bom. Sở dĩ gọi nó là “cánh cụp cánh xoè” vì cánh trước có cơ cấu điều khiển động lực học: khi mang tải nặng hai cánh trước xoè ra để tăng tiết diện nhằm tăng lực nâng của không khí; khi đã trút bom xong trọng lượng máy bay giảm, đôi cánh trước gấp xuôi về phía sau để giảm tiết diện nhằm giảm lực cản, máy bay như hình mũi tên bay thoát ly khỏi chiến sự nhanh hơn. Trạng thái mức độ “cụp xoè” tuỳ theo tải trọng do máy tính thực hiện. Nó có ra-đa tự động tính toán địa hình để bay được rất thấp từ 80m đến 200m, hoạt động tốt trong mọi thời tiết nhất, là ban đêm. Do được trang bị thiết bị cảnh báo phát hiện ra-đa đối phương và gắn tên lửa đối không nên F-111 có thể độc lập tác chiến mà không cần máy bay dẫn đường và tiêm kích bay kèm.
Tháng 3-1968, từ bang Nevada, KQM đưa sang chiến trường Đông Dương 6 chiếc F-111, nó bay vượt Thái Bình Dương sang đậu tại sân bay Tăcli (Thái Lan). Đây là lần đầu tiên F-111 được đưa vào thử nghiệm thực tế chiến đấu, phương thức là: từng chiếc một bay trong đội hình cường kích F-4, cùng bổ nhào ném bom với F-4 để so sánh hiệu quả. Song qua một số trận đánh kết quả thật bi đát:
- Ngầm Khe Tang nằm trên Đường 15, qua huyện Hương Sơn, miền Tây Hà Tĩnh, là một trong những trọng điểm giao thông ác liệt trên đường vào chiến trường. Ngay sát ngầm là trận địa Đại đội 12 pháo cao xạ 85ly (Tiểu đoàn 11, Trung đoàn cao xạ 280). Hồi 10h15′ sáng ngày 28-3-1968, tốp địch gồm 4 máy bay bổ nhào đánh phá ngấm, trong tốp có 3 chiếc F-4H và một chiếc kiểu mới lạ to hơn và bay nhanh hơn nên Đại đội trưởng quyết định nhằm đánh chiếc này. Cho qua các lượt F-4H lao xuống cắt bom, đến lượt chiếc máy bay lạ bổ nhào, khi trắc thủ báo địch xuống đến cự ly 2.800m thì toàn Đại đội đồng loạt nổ súng: chiếc máy bay trúng đạn trực diện liền bốc cháy rơi ngay tại chỗ. Khi xem xác nó, bộ đội ta phát hiện ra đây là chiếc máy bay kiểu F-111A. Chiến công này được báo ngay lên Quân chủng phòng không. Đây là chiếc F-111 đầu tiên bị bắn rơi trên chiến trường Đông Dương.
- Hai ngày sau, chiều 30-3 một chiếc nữa bị bắn rơi ở Hà Tây. Và 3 tuần sau, vào sáng 21-4 thêm một chiếc thứ ba bị bắn cháy ở Quảng Bình. Như vậy một nửa trong số 6 chiếc đưa vào chiến đấu đã bị bắn hạ trong vòng chưa đầy một tháng. Thất bại phủ đầu này làm xôn xao dư luận giới quân sự Mỹ, ba chiếc còn lại phải quay về nơi xuất phát để kiểm tra lại.
Trong thời gian 4 năm “xuống thang chiến chiến tranh” ở miền Bắc, loại F-111 tiếp tục được hoàn chỉnh tại nơi chế tạo nó. Đến đầu năm 1972 Mỹ đã chế tạo được 307 chiếc F-111 các loại A, E, F cho KQ chiến thuật, loại F-111B cho KQ Hải quân, loại FB-111A cho KQ chiến lược có thể mang bom hạt nhân (nuclear bomber) có thể thay B-52 Pháo đài bay, loại EF-111A trinh sát điện tử đa chức năng, loại F-111C bán cho KQ Hoàng gia Úc v.v..
Khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai bắt đầu từ tháng 4-1972 thì đến tháng 9-1972 Mỹ lại điều động tổng cộng 48 chiếc F-111 (hai phi đoàn) từ bang Nevada vượt Thái Bình Dương sang sân bay Tăcli, bắt đầu cuộc thử nghiệm mới. Rút kinh nghiệm thất bại bốn năm về trước, KQM điều chỉnh lại nhiệm vụ nhằm tăng mức độ an toàn cho nó:
- Trên chiến trường, máy bay F-111 chỉ ném bom toạ độ như máy bay B-52. Bởi toàn bộ việc vận chuyển cơ giới trên đường giao liên của ta vào ban đêm, nên KQM cải tiến từ máy bay vận tải thành các loại cường kích đêm AC-119, AC-130, các loại này có thiết bị phát hiện bằng tia hồng ngoại, gắn pháo 40ly, 105 ly và ngắm bắn bằng máy tính điện tử. Đồng thời trên những trọng điểm bến phà, cầu ngầm, dốc đèo, KQM thường xuyên ném bom toạ độ các loại nổ chậm, bom phá, bom bi, bom từ trường v.v… Đội hình ném bom toạ độ bằng máy bay B-52 cồng kềnh: mỗi phi vụ gồm “3 chiếc B-52 + 4 chiếc F-4 tiêm kích”, dãn cách thời gian giữa các đợt trên mỗi trọng điểm được tính toán vừa đủ để công binh không kịp sửa chữa nhằm kéo dài ách tắc. Có những trọng điểm nổi tiếng ác liệt bởi bom đánh điểm kết hợp với bom toạ độ suốt 24 giờ trong ngày như cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích trên Đường 20 Quyết thắng mà lịch sử gọi là “bộ ba ATP” … Khi sử dụng thay thế loại B-52, các phi vụ F-111 ném bom toạ độ do sức tải nhỏ (chỉ bay đơn, mang 10 tấn bom so với tốp B-52 ba loạt 25 tấn) nên tần số xuất kích phải lớn hơn, bởi vậy có những trọng điểm suốt trong một thời gian dài cứ 15 phút lại có loạt bom ném kiểu này. Đường vào chiến trường dài hàng ngàn cây số với hàng trăm nhánh phụ luôn thay đổi từng mùa từng chiến dịch, vì vậy lực lượng cao xạ bảo vệ giao thông chỉ bố trí phân tán và nguỵ trang bí mật bất ngờ ở những địa bàn quan trọng, chỉ nổ súng khi máy bay địch uy hiếp trực tiếp pháo hoặc khi có phần tử bắn thuận lợi. Do vậy các phi vụ F-111 do bay thấp dưới 500m lại bay nhanh 800km/h nên thời cơ để xạ kích rất ngắn (<7 giây), bộ đội ta không tổ chức đánh nhằm tránh bộc lộ lực lượng, cho nên các phi vụ kiểu này thường trót lọt. Những vụ ném bom toạ độ không theo quy luật nào, có thể là do “cây nhiệt đới” (thiết bị thu phát địa chấn) kết hợp với máy bay trinh sát điện tử EC-121 chỉ điểm…
- Ở miền Bắc F-111 chỉ dùng đánh đêm như loại máy bay A-6A Kẻ đột nhập. Các phi vụ bay đêm, số ít bởi máy bay trinh sát RF -4C chụp ảnh quang học bằng đạn chớp sáng, còn phần lớn là các phi vụ ném bom do máy bay A-6A Hải quân thực hiện. Loại này bay tương đối thấp, có thiết bị dẫn đường để luồn lách địa hình nhưng vẫn bị lực lượng phòng không của ta bắn rơi nhiều, kể cả phát hiện bằng khí tài ra-đa: đêm 3/2/1966 phi công Lâm Văn Lích lái Mig-17 được Đài chỉ huy mặt đất dẫn đường đã bắn hạ liền 2 chiếc trên vùng chợ Bến tỉnh Hoà Bình; đêm 25/4/1968 tiểu đoàn 69 tên lửa (trung đoàn 275) bằng một quả đạn hạ một chiếc tại sân bay Vinh- Nghệ An vv … Những phi vụ đánh đêm tuy hiệu quả thấp (A-6A chỉ mang được 2,5 tấn bom) nhưng nó nhằm gây mệt mỏi căng thẳng cho Bộ đội Phòng không vì phải trực chiến liên tục suốt ngày đêm hàng tháng trời. Khi đưa F-111 đánh đêm, chúng bay rất thấp, luồn lách địa hình như khe núi, triền sông v.v.. nhằm gây trên màn hiện sóng ra-đa mục tiêu lẫn vào nhiễu sóng địa hình đạt vật và giảm tối đa khả năng bị phát hiện bằng mắt thường. Song thực tế, ngay từ khi địch rời sân bay hoặc tàu chiến, ta đã “quản lý mục tiêu” và báo động từng cấp cho lực lượng phòng không trên mỗi khu vực, bởi ngoài Mạng ra-đa cảnh giới Quốc gia ta còn nhiều nguồn thông tin khác… Ví dụ: Quân chủng phòng không tổ chức 12 trạm, 48 vọng gác quan sát các hoạt động máy bay địch bằng mắt thường, ống nhòm, kính quang học và thông tin liên lạc chuyển tiếp trải rộng khắp miền Bắc và Chiến trường, hệ thống này gọi là mạng BB (bộ binh)… Ta còn có nguồn thông tin kịp thời ngay khi máy bay B-52 vừa xuất kích từ các căn cứ quân sự ở nước ngoài, trong cuộc tập kích chiến lược Tháng chạp năm 1972 toàn Quân chủng được thông báo trước 5 giờ đồng hồ ….
Sau đây là một số sự kiện máy bay F-111 trong lần thử nghiệm năm 1972:
- Ngày 28-9 KQM tăng cường thêm 12 chiếc sang sân bay Tăcli, nâng tổng số lên 48 chiếc, thì ngay trong đêm, một số chiếc trong đó thực hiện phi vụ đánh ga Yên Bái, liền bị Đại đội pháo 37 ly với tinh thần cảnh giác cao đã phát hiện, bằng phần tử máy đo xa, nổ súng kịp thời hạ một chiếc F-111E.
Choáng váng vì đòn phủ đầu, mặc dù Đài phát thanh và các báo chí của ta lập tức đưa ngay tin chiến thắng song giới quân sự Mỹ cố tình giấy kín thất bại, doạ sẽ rút giấy phép nếu tờ báo nào đăng tin này sớm trước 5 ngày vì sợ ảnh hưởng về quân sự và chính trị, đồng thời kiểm nghiệm lại toàn bộ các máy bay loại này. Sau đó Hãng AP đưa tin “… việc bất đồng đã bao quanh F.111 ngay từ khi thiết kế. Trong 6 năm hoạt động đã có 23 chiếc F-111 đã rơi, giết 17 nhân viên và 8 người nữa mất tích”.
- Vào lúc 0giờ 5 phút ngày 17-10, một chiếc F-111A lạng lách quanh dãy núi Tam Đảo rồi xà xuống cắt bom đánh một mục tiêu công nghiệp. Chỉ vài giây sau liền bị cụm trận địa gồm 3 khẩu đội súng máy 12,7 ly của dân quân xã Tiền Châu huyện Yên Lãng tỉnh Vĩnh Phú bắn cháy bằng loạt điểm xạ ngắn, mỗi khẩu chỉ tiêu thụ khoảng 9 viên đạn. Nó cắm đầu xuống cánh đồng Đầm Quận bên sông Cà Lồ cách thị xã Vĩnh Yên khoảng 1km, gây nên một tiếng nổ dữ dội.
- Đêm 21-11, lúc 3h dân quân huyện Bố Trạch, Quảng Bình bắn rơi 1 chiếc bằng 15 viên đạn súng máy 12,7 ly, chiếc máy bay trúng đạn rơi ngay xuống biển.
Đặc biệt trong Cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm Tháng Chạp năm 1972 ở Hà Nội (từ ngày 18 đến 30-12), cùng với B-52 pháo đài bay, loại F-111 tham gia đánh xen kẽ với tần xuất rất cao: mỗi đêm có từ 20 đến 30 lần/ chiếc. Trong chiến dịch lịch sử này chỉ trong 4 ngày đã có 5 chiếc F-111 bị hạ. Sau đây là một số trận điển hình:
- Lúc 19h45′ tối ngày 20-12, khẩu đội tự vệ của nông trường tỉnh Hà Tây, với một khẩu súng máy cao xạ 14,5 ly loại 4 nòng, chiến đấu độc lập, phát hiện một chiếc F-111 đang bay lắt léo qua yên ngựa một trái núi. Đêm sáng trăng nên mục tiêu trông rõ. Bằng một điểm xạ ngắn tiêu thụ 44 viên đạn, chiếc máy bay trúng nhiều viên đạn, gãy lìa đoạn đầu, phần thân rơi xuống khu rừng già. Do nó đã ném bom xong nên hai cánh lớn ở trạng thái đã xếp vào thân.
- Chiều ngày 22-12, nhận định đường bay F-111 sẽ vào Hà Nội qua khu vực phà Khuyến Lương, Ban chỉ huy quân sự địa phương tăng cường hoả lực chiến đấu tại trận địa bãi cát Vân Đồn, gồm 5 khẩu súng máy 14,5 ly do tự vệ của 3 nhà máy cùng trực chiến. Phương án tác chiến như vật chuẩn, đường bay, tầm, hướng được chuẩn bị sẵn, trận địa được nối thông tin với cấp trên. Lúc 19h15′, phát hiện trên nền trời tối chiếc máy bay địch bay rất thấp đang vào, một số khẩu lập tức nổ súng. Chiếc máy bay trúng đạn, cố gượng đến huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình thì rơi. Đây là chiếc F-111 cuối cùng bị bắn rơi trên chiến trường Đông Dương.
Cũng trong tháng Chạp năm 1972, khi được hỏi về loại máy bay F-111, một phi công lái F-4 trong Trại giam Hoả Lò bộc bạch: với các phi vụ TFX (Tactical Fighter Experimental: thí nghiệm máy bay chiến đấu chiến thuật-chiến lược) trên F-111, khi bay với vận tốc 800km/h ở độ cao dưới 200m là rất nguy hiểm, bởi chỉ trong vòng 5 giây đồng hồ phải xà xuống thấp để trút hết bom, tải trọng bị giảm đột ngột nên gây mất ổn định, dễ bị tai nạn. Lái F-4 ở độ cao 2km gặp sự cố còn nhảy dù được, chứ bay quá thấp khó mở dù để sống sót…
Để chế tạo một kiểu máy bay mới, các tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ phải cần từ 3 đến 5 năm thiết kế, từ khi đặt hàng đến khi cất cánh phải mất thêm 2 năm nữa. Giá thành một chiếc F-105D là 1,5 triệu đô-la, loại F-4H là 3,2 triệu đô-la, loại B-52G là 9 triệu đô-la, loại F-111A là 15 triệu đô-la, cao nhất các loại máy bay lúc đó. Ngoài ra để đào tạo huấn luyện một phi công chiến đấu cần 3 năm với chi phí hàng chục vạn đô-la… Song phải đưa nó vào thực tế chiến đấu mới bộc lộ rõ ưu nhược điểm của nó. Trong chiến tranh Việt Nam đã từng có 16 loại máy bay gồm 47 kiểu do 20 hãng công nghiệp Mỹ sản xuất đã bị hạ; trên miền Bắc trong hai cuộc chiến tranh phá hoại đã có 4.330 chiếc bị bắn rơi, chiếc thứ 4.000 lại chính là chiếc F-111A rơi ở Vĩnh Phú.
Lực lượng không quân thuộc Hải quân Mỹ (NAVY) mặc dù đã từng tham gia thử nghiệm nhưng từ chối đưa kiểu máy bay mới này vào sử dụng, bởi một số vụ tai nạn lớn xảy ra trên tàu sân bay là do những chiếc máy bay cường kích gây ra. Ví dụ một số vụ ở Hạm đội 7 đậu trên Vịnh Bắc Bộ: ngày 29-7-1967 tàu sân bay Forreston phát nổ từ khoang chứa máy bay làm 134 lính Mỹ chết và 21 máy bay thiêu huỷ; đêm 25-10-1972 chiếc máy bay A-6A “Kẻ đột nhập” sau khi ném bom về hạ cánh sai quy cách xuống tàu sân bay Midwey đã gây nổ lớn làm 27 línhMỹ chết, mất tích, bị thương, đồng thời phá huỷ thêm 2 chiếc A-6A, 3 chiếc F-4B Con ma; 4 chiếc A-7A Cướp biển nữa. Các sân bay trên đất liền cũng có nhiều tai nạn, nhưng không tổn thất lớn như vậy.
Sau một loạt chiếc F-111 bị hạ, ngày 9-10-1972 Hãng thông tấn AP đưa tin: Tiểu ban thượng nghị viện Mỹ tuyên bố rằng cuộc thử nghiệm máy bay F-111 là một thất bại lớn.
Sau chiến tranh Việt Nam, loại F-111 được chế tạo thêm một số kiểu, chúng được đặt các tên riêng là Raven (Con quạ), Aardvark (Lợn đất)vv…, tổng số có 554 chiếc F-111 được chế tạo. Năm 1998 KQM ngừng bay loại này.
( quansuvn.net – images: HPL suu tam )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét