Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2008

Chùm ảnh: 9 hồ nước độc đáo nhất hành tinh



1. Hồ Plitvice (Croatia)

Hồ Plitvice là quần thể hồ gồm 16 hồ nhỏ được hình thành từ những thác nước tuyệt đẹp. Hồ được bao phủ bởi một cánh rừng nhỏ, nơi sinh sống của vô số loài động vật như hươu, gấu, sói, lợn lòi và rất nhiều loài chim quý hiếm. Một điểm vô cùng đặc sắc của những hồ nước này là chúng có nhiều sắc màu khác nhau từ xanh ngọc, xám đến xanh dương tùy thuộc vào hàm lượng chất khoáng trong nước và góc độ phản chiếu của ánh sang mặt trời. Đây là địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

2. Hồ nước nóng (Dominica)

Hồ nước nóng Boiling thuộc công viên quốc gia Morne Trois Pitons là niềm tự hào của người dân Dominica. Trên thực tế, đây là một lỗ phun khí trên bề mặt trái đất, nằm cách thủ đô Roseau hơn 10 km về phía đông. Mặt hồ luôn luôn bị bao phủ bởi một đám mây hơi nước dày đặc.

3. Hồ Red Lagoon (Bolivia)

Hồ Laguna Colorada (hay còn gọi là Red Lagoon) là một hồ nước mặn nằm ở phía tây nam Bolivia giáp biên giới Chile. Dưới đáy hồ chứa rất nhiều những “hòn đảo” kim loại borac màu trắng tương phản đồng điệu với màu nước đỏ do cặn cát và tảo mang sắc tố đỏ tạo nên.

4. Hồ Ngũ Hoa (Trung Quốc)

Hồ Ngũ Hoa là nét độc đáo nhất của công viên quốc gia Jiuzhaigon ở Trung Quốc. Lòng hồ nông, nước trong vắt, rải rác dưới đáy hồ là những cành cây gãy. Nước hồ có thể biến đổi nhiều sắc màu khác nhau từ xanh ngọc bích, vàng đến xanh dương.

5. Biển Chết (IsraelJordan)

Biển Chết tọa lạc giữa Israel (bờ Tây) và Jordan (bờ Đông) là hồ nước thấp nhất so với mực nước biển (420 m). Độ sâu 330 m đã giúp biển Chết trở thành hồ nước mặn sâu nhất thế giới. Nó đồng thời là hồ nước mặn có nồng độ muối lớn thứ hai thế giới sau hồ Assal ở Djibouti, với nồng độ muối là 30%, cao gấp 8,6 lần so với nồng độ muối ở đại dương. Độ mặn của hồ đã biến nó thành một môi trường khắc nghiệt đối với động thực vật cũng như một số hoạt động khác của con người. Tuy nhiên, biển Chết lại thu hút rất nhiều du khách vùng Địa Trung Hải từ ngàn năm nay.

6. Hồ Baikal (Nga)

Hồ Baikal nằm ở phía nam Siberia trên lãnh thổ nước Nga, thường được biết đến với biệt danh “Con mắt xanh của Siberia". Hồ này chứa một lượng nước còn lớn hơn lượng nước của các hồ trong quần thể Hồ Lớn ở Bắc Mỹ cộng lại. Với độ sâu 1.637 m, Baikal là hồ nước sâu nhất thế giới và là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới với trữ lượng chiếm gần 20% lượng nước ngọt trên toàn hành tinh. Hồ Baikal được hình thành từ một thung lũng cổ có hình dạng trăng lưỡi liềm với diện tích bề mặt lên đến 31.500 km². Baikal là môi trường sống tự nhiên của hơn 1.700 loài động thực vật, 2/3 trong số đó thuộc các loài hiếm có, không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên trái đất. Năm 1996, hồ này được UNESCO công nhận là Di sản thế giới

7. Hồ Titicaca (BoliviaPeru)

Hồ Titicaca là biên giới tự nhiên giữa BoliviaPeru, tọa lạc ở độ cao 3.812 m so với mực nước biển. Nếu dựa vào lượng nước thì đây là hồ lớn nhất Nam Mỹ. Nước trong hồ chủ yếu là nước mưa và nước băng tan chảy từ những dòng sông băng.

8. Biển Caspi (Nga)

Biển Caspi là hồ nước nằm trong đất liền lớn nhất thế giới về cả diện tích lẫn thể tích, chiếm 40 tới 44% tổng lượng nước hồ trên hành tinh. Với diện tích bề mặt lên đến 394.299 km², Caspi nằm giữa Nga ở bờ phía bắc và Iran ở bờ phía nam. Đông tây giáp các nước Turkmenistan, KazakhstanAzerbaijan. Độ sâu tối đa của hồ là khoảng 1.025 m. Sông Volga, con sông dài nhất châu Âu, là nguồn nước chính đổ vào biển Caspi. Vì không thông với đại dương nên đây đúng là một hồ nước tuy được “gắn mác” biển.

9. Hồ Crater (Mỹ)

Hồ Crater nằm ở bang Oregon, nước Mỹ nổi tiếng nhờ nhiều đặc điểm độc đáo như không hề có lạch nước và nhánh phụ nhưng nước hồ ở đây được xem là một trong những vùng nước trong sạch nhất. Hồ được hình thành từ miệng núi lửa đã chết có tên Mazama. Độ sâu tối đa 594 m khiến nó trở thành hồ nước sâu nhất ở Mỹ.

Anh Nguyễn

Theo Nature

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét